Tiếp và làm việc với đoàn công tác của Bộ GD-ĐT có ông Nguyễn Tiến Hải- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau; ông Trần Hồng Quân- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau và đại diện lãnh đạo một số Sở, ban ngành tỉnh Cà Mau.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Minh Luân- Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau cho biết, đến nay, toàn tỉnh Cà Mau có 132 trường Mầm non, 267 trường Tiểu học, 118 trường THCS, 32 trường THPT, 5 Trung tâm GDTX, 1 trung tâm Hướng nghiệp- kỹ thuật tổng hợp và 4 trường CĐ, TCCN; 204/548 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia...
Hiện nay toàn tỉnh có 58/101 xã, phường, thị trấn đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ 5 tuổi, đạt 57,43%, tăng 26 đơn vị so với cùng kỳ năm học trước.
Nhìn chung, mạng lưới các cơ sở GDMN năm học qua phát triển khá, các trường đã thực hiện đầy đủ và có chất lượng chương trình chăm sóc giáo dục trẻ. Cơ sở vật chất có sự chuyển biến khá tốt nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu thu nhận trẻ trong độ tuổi vào học. Hiện vẫn còn một số trường Mầm non, Mẫu giáo ở vùng nông thôn sâu đang gặp nhiều khó khăn (có 314 phòng học còn phải học nhờ trường Tiểu học), nhiều phòng học chưa đủ diện tích, bàn ghế chưa đúng quy cách…
Về giáo dục Tiểu học, theo ông Luân, việc thực hiện thông tư 30 của Bộ GD-ĐT về đánh giá HS Tiểu học, bước đầu đạt nhiều kết quả như tạo được chuyển biến về nhận thức đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, về đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá chất lượng giáo dục theo hướng tiếp cận năng lực. Cải thiện tình trạng dạy thêm, học thêm, giao bài tập về nhà, giảm áp lực cho HS và cha mẹ HS. Giáo viên đổi mới phương pháp, điều chỉnh hình thức nội dung dạy phù hợp với đối tượng HS, kịp thời phát hiện những cố gắng, tiến bộ của HS để động viên khích lệ, những hạn chế của HS để hướng dẫn giúp đỡ ngay trong quá tình dạy học để các em tiến bộ.
“Việc đánh giá học sinh theo Thông tư 30 lúc đầu có nhiều khó khăn nhưng nhờ có tư vấn giúp đỡ kịp thời nên đã giúp các giáo viên tháo gỡ và học sinh đã quen dần cách tự đánh giá mình, đánh giá bạn cũng như lời nhận xét của giáo viên. Đa số học sinh đồng thuận khi được giáo viên nhận xét thường xuyên thay cho điểm số”, ông Luân chia sẻ.
Đối với giáo dục trung học, ông Luân cho biết, Sở tiếp tục chỉ đạo việc rà soát đội ngũ, bố trí sắp xếp để đảm bảo về số lượng, chất lượng, cân đối về cơ cấu giáo viên, nhân viên cho các môn học, nhất là các môn tin học, ngoại ngữ, giáo dục công dân, mỹ thuật, âm nhạc, công nghệ, thể dục…Từ đó, từng bước khắc phục tình trạng giáo viên không đúng chuyên môn dạy kiêm nhiệm.
Giám đốc Sở GD-ĐT Cà Mau nêu khó khăn và kiến nghị của ngành giáo dục tỉnh.
Giám đốc Sở GD-ĐT Cà Mau cũng nhìn nhận, nhìn chung, ngành giáo dục Cà Mau vẫn còn một số khó khăn nhất định như tỷ lệ huy động HS đến trường vẫn còn thấp, nhất là cấp Mầm non, cấp THPT và cấp GDTX; chất lượng giảng dạy ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn hạn chế; hệ thống trường lớp một số nơi còn thiếu, xuống cấp; đặc biệt còn thiếu nhiều về thiết bị công nghệ thông tin, nhất là ở cấp học Mầm non và Tiểu học…
Ông Luân cũng kiến nghị Bộ GD-ĐT tăng cường kinh phí cho chương trình mục tiêu quốc gia phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi; có quy định về chế độ chính sách đối với người làm công tác phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi và đội ngũ làm công tác phục vụ trong các trường Mầm non định mức phù hợp hơn vì như hiện nay là rất thấp…
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trả lời kiến nghị của tỉnh Cà Mau.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận- đánh giá cao và biểu dương những kết quả mà ngành giáo dục tỉnh Cà Mau đã đạt được trong năm học qua. Bộ trưởng cũng ghi nhận những kiến nghị của tỉnh Cà Mau và cho biết sẽ xem xét, cùng với các Bộ ban ngành có liên quan tìm hướng tháo gỡ khó khăn không chỉ của Cà Mau mà của cả nước nói chung.
Huỳnh Hải
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn